TRUNG TÂM DỊCH VỤ Y TẾ
BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH KHÁNH HÒA

Hotline

0911 736 188

Rau khúc chữa viêm khí quản mạn tính

50g rau khúc khô, sắc lấy nước đặc, chia thành 3 lần uống trong ngày, dùng liên tục 10 ngày (một liệu trình) chữa viêm khí quản mạn cũng đạt kết quả tốt.


Cây rau khúc còn có tên là “khúc nếp”, “thử khúc thảo”, “thử nhĩ”, “hoàng hoa bạch ngải”, “phật nhĩ thảo”, “thanh minh thảo”, “hài nhi thảo”… Tên khoa học là Gnaphalium affine D. Don (Gnaphalium multiceps Wall.), thuộc họ Cúc (Asteraceae).

Rau khúc là loài cây thảo sống hằng năm, thân mảnh, cao chừng 10-20cm, có lông trắng mềm. Lá thuôn hình dỉa, có mũi nhọn, với lông mịn trắng ở mặt dưới.

Cụm hoa hình bông hay hình chuỳ mọc ở ngọn. Lá bắc thuôn hình trái xoan, hoa cái và hoa lưỡng tính rất nhiều. Tràng hoa các mảnh có ba răng nhỏ, tràng hoa lưỡng tính phình to từ gốc đến đỉnh.

Quả bế thuôn dài. Loài rau khúc này mọc hoang dại ở các vùng nông thôn khắp nước ta, nhiều nhất ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung; thường gặp trên các ruộng khô, bờ ruộng, ven đường … Rau khúc cũng khá phổ biến ở Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Philippines và một số nước khác.

Để làm thuốc, thường hái lá hoặc toàn cây, tốt nhất vào lúc trước khi cây ra hoa hoặc tuy đã có hoa nhưng chưa nở. Dùng tươi tốt nhất, nhưng cũng có thể phơi khô để dùng dần.

Dùng chữa cảm mạo phong hàn, ho nhiều đờm, khí suyễn, phúc tả, bạch đới, tỳ hư thủy thũng, còn dùng chữa nhiễm độc đậu tằm, phong thấp đau nhức;

Dùng ngoài chữa lở ngứa ngoài da, phong chẩn mẩn tịt, mụn nhọt sưng đau. Trong dân gian, ngoài công dụng làm bánh khúc ăn, thường dùng lá khúc để chữa ho, viêm chi phế quản.

Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, trong rau khúc có chứa nhiều hợp chất thiên nhiên có lợi đối với sức khỏe. Toàn cây còn chứa tinh dầu (khoảng 0,05%), nên dùng cây tươi là tốt nhất; Để bảo quản tinh dầu, khi sắc nên để nước sôi rồi mới cho rau vào, sôi lại nhắc ra và dùng ngay.

Có tác dụng hóa đàm, trừ phong hàn. Chữa ho nhiều đờm, suyễn thở, cảm lạnh phát sốt, đau gân cốt, bạch đới, ung thũng. Ngày dùng 10-16g dưới dạng thuốc sắc hay thuốc hãm. Có thể thái nhỏ cho vào một ít đường, hấp trên nồi cơm, uống.

Chữa hen suyễn: Rau khúc 30 g, lá bồng bồng 20 g, cam thảo đất 16 g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần.

Chữa ho nhiều đờm: Rau khúc khô 15-20g, đường phèn 15-20g, sắc nước uống trong ngày.

Chữa viêm khí quản mạn tính: 50g rau khúc khô, sắc lấy nước đặc, chia thành 3 lần uống trong ngày; liên tục 10 ngày (một liệu trình). Hoặc rau khúc phối hợp với xa tiền thảo và liên kiều chữa viêm khí quản mạn cũng đạt kết quả tốt.

Chữa tăng huyết áp: Rau khúc phối hợp với lá dâu, nấu canh ăn hàng ngày.

Chữa gân cốt sưng đau, chân gối sưng thũng: Toàn cây rau khúc 30-60g sắc nước uống trong ngày.

Chữa vết thương sưng tấy, vết thương không liền miệng: Rau khúc khô 30g, sắc nước uống trong ngày, đồng thời giã lá rau khúc tươi trộn giã nát đắp lên vết thương.

Chữa cảm lạnh phát sốt, ho: Rau khúc khô 15- 20g (hoặc 30- 40g tươi), sắc lấy nước uống trong ngày, có thể thêm tía tô, kinh giới, mỗi thứ 9g, sắc cùng để tăng công dụng.

Theo Phạm Tiến – Kiến thức gia đình số 42
Nông nghiệp Việt Nam

Dịch vụ Y tế Khánh Hòa
Logo
Enable registration in settings - general
Compare items
  • Cameras (0)
  • Phones (0)
Compare